Các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ gây nguy hiểm cao

cac-benh-mua-he-thuong-gap-o-tre

Mùa hè là thời điểm trẻ nhỏ vui chơi, nô đùa ngoài trời, tuy nhiên cũng là mùa dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Nắng nóng, mưa nhiều, môi trường ô nhiễm là những yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và lây lan nhanh chóng. Do sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên các bé rất dễ mắc các bệnh như: tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,… Ba mẹ cần hiểu rõ các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ để có những biện pháp phòng tránh giúp con yêu luôn khỏe mạnh.

Các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ

Tiêu chảy

Đây là bệnh lý rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng có đến 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân chính gây ra tiêu chảy có thể là do vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả,…) hoặc virus, nấm, ký sinh trùng ở đường ruột. Cũng có thể do trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất kém, dị ứng thức ăn,…

Triệu chứng của bệnh là trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng hoặc loãng nước, có thể kèm theo sốt, nôn mửa, đau bụng, quấy khóc. Khi trẻ bị tiêu chảy, việc quan trọng nhất là ba mẹ cần đánh giá mức độ mất nước và bù nước cho bé bằng dung dịch điện giả oresol, truyền dịch nếu mất nước nặng, bé nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài quá nhiều và không thể bù kịp bằng đường uống.

cac-benh-mua-he-thuong-gap-o-tre-1

Ngộ độc thức ăn

Trong thời tiết nắng nóng nếu không bảo quản thức ăn đúng cách và chế biến không đảm bảo an toàn thực phẩm thì sẽ rất dễ gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ. Triệu chứng chủ yếu của ngộ độc thức ăn là tiêu chảy, nôn ói. Tình trạng nôn có thể kéo dài khoảng 1 ngày, trong khi tiêu chảy thường sẽ kéo dài hơn, khoảng 1 tuần hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, bé có thể gặp các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt,…

Vì thế, ba mẹ cần chú ý chế biến thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, không ăn thức ăn ôi thiu, ủng vữa. Đặc biệt, cần thực hiệ “ăn chín uống sôi”, vệ sinh dụng cụ ăn uống sạch sẽ trước khi cho bé ăn.

Nhiễm siêu vi

Nhiễm siêu vi hay còn gọi là sốt siêu vi, sốt virus là tình trạng cơ thể bé có dấu hiệu sốt cao kèm theo các triệu chứng khác do bị nhiễm virus. Có nhiều loại virus khác nhau gây nên bệnh này cho ra những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Trong đó các virus phổ biến nhất gồm virus cúm, Enterovirus, Coronavirus,…

Đây là chẩn đoán các bác sĩ thường ghi trên toa thuốc khi vài ngày đầu trẻ sốt mà chưa xác định được trẻ mắc bệnh gì. Sốt siêu vi có thể diễn tiến nặng thành sốt xuất huyết hoặc cũng có thể là viêm đường hô hấp, cảm cúm, sốt phát ban, thậm chí là bệnh tay chân miệng.

Triệu chứng của bệnh này bao gồm: sốt cao, đau nhức khắp người, đau đầu, viêm long đường hô hấp, sưng hạch vùng đầu – mặt – cổ sau tai – gáy, rối loạn tiêu hóa, phát ban, nôn chớ,…

Viêm màng não

Viêm màng não là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống. Nguyên nhân thường do vi khuẩn HIB, phế cầu, mô cầu hoặc do virus, nấm, ký sinh trùng gây ra. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, tùy vào từng độ tuổi. Ban đầu bé có thể có các triệu chứng như sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, ánh nhìn vô cảm,… Nhiều ba mẹ nhầm rằng bé bị viêm họng, viêm phổi hoặc tiêu chảy. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, nếu thấy bé có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào dù chỉ là ho, sốt, sổ mũi ba mẹ cũng cần đưa bé đi khám bác sĩ.

Hiện đã có vắc xin HIB, phế cầu, não mô cầu và một số tác nhân virus. Để đảm bảo an toàn hơn, ba mẹ nên cho bé tiêm đầy đủ các mũi này.

cac-benh-mua-he-thuong-gap-o-tre-2

Viêm não Nhật Bản

Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm ở trẻ nhỏ, tỷ lệ tử vong lên tới 30% và tỷ lệ di chứng khoảng 50%. Và hiện nay cũng chưa có thuốc đặc trị nên chỉ tiến hành điều trị triệu chứng. Viêm não Nhật Bản ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng não do virus viêm não Nhật Bản gây ra, lây truyền qua vết muỗi đốt, thường là loại muỗi Culex tritaeniorhynchus. Nguồn chứa virus chủ yếu là lợn và chim, lây qua người thông qua muỗi Culex.

Các triệu chứng của viêm não Nhật Bản thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm, cảm cúm thông thường nên nhiều ba mẹ chủ quan không đưa con đến bệnh viện dẫn tới khó khăn trong điều trị. Hầu hết, trẻ bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản có các triệu chứng sau: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ.

Ba mẹ nên cho bé tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản ngay từ 9 tháng tuổi đồng thời giữ môi trường sống của bé luôn sạch sẽ, thông thoáng.

Tham khảo thêm: Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ vào mùa hè

Các biện pháp phòng ngừa bệnh mùa hè ở trẻ

Ăn uống hợp vệ sinh

Ba mẹ cần chế biến thực phẩm an toàn, giữ vệ sinh khu nấu ăn, đảm bảo  nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh. Trước khi nấu ăn phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Đặc biệt cần cho trẻ ăn chín, uống sôi. Tránh cho trẻ ăn thức ăn đường phố, đồ sống chưa nấu chín kỹ.

Tập thói quen vệ sinh cá nhân

Rửa tay cho bé thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ. Nếu bé đã lớn hơn thì ba mẹ hãy dạy cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi chơi về.

Mỗi ngày tắm rửa cho trẻ 1 – 2 lần để giữ cho cơ thể trẻ luôn sạch sẽ. Cho trẻ đánh răng 2 lần mỗi ngày, sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ. Cắt móng tay, móng chân cho trẻ thường xuyên. Ngoài ra ba mẹ cần iặt giũ quần áo, chăn màn của trẻ định kỳ.

Tạo môi trường sống trong lành

Môi trường sống của bé cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế nguy cơ lây lan virus, vi khuẩn, nấm mốc:

  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng: Mở cửa sổ, cửa ra vào để nhà cửa thông thoáng. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là khu vực bếp núc, nhà vệ sinh.
  • Loại bỏ muỗi, bọ gậy: Sử dụng vợt muỗi, màn chống muỗi, phun thuốc diệt muỗi định kỳ.
  • Hạn chế cho trẻ ra ngoài trời nắng nóng: Nếu cần thiết, cho trẻ mặc quần áo che chắn cẩn thận, đội mũ rộng vành, đeo kính râm.

Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất

Vi khoáng chất không chỉ là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động và phát triển của bé mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tật cho bé. Ba mẹ có thể dễ dàng bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho con bằng cách tăng cường cho bé ăn những thực phẩm giàu vi khoáng trong hàm lượng cho phép.

cac-benh-mua-he-thuong-gap-o-tre-3

Kết luận

Ba mẹ cần nâng cao nhận thức về các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ, trang bị kiến thức về dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng ngừa và điều trị để bảo vệ sức khỏe cho con em mình. Hãy chủ động phòng ngừa bằng cách vệ sinh cá nhân, ăn uống hợp vệ sinh, tạo môi trường sống trong lành và bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất cho trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Sức khỏe của trẻ là tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình. Hãy dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con em mình để các bé có thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh ba mẹ nhé!

Hãy theo dõi Kamidi để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích ba mẹ nhé!

Website: https://kamidi.vn/

Fanpage: Kamidi Việt Nam

0/5 (0 Reviews)