Biếng ăn sinh lý là tình trạng thường gặp ở trẻ khi bước vào các giai đoạn phát triển tự nhiên của cơ thể. Con biếng ăn, không chịu ăn thức ăn, bỏ uống sữa,… luôn là vấn đề khiến mẹ không khỏi trăn trở. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, trẻ em có 5 mốc biếng ăn sinh lý hay gặp nhất, mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để đồng hành cùng con vượt qua những giai đoạn này nhé!
1. Biếng ăn sinh lý là gì?
Biếng ăn sinh lý là tình trạng trẻ chán ăn, ăn uống ít hơn bình thường mà không do bệnh lý thực thể nào gây ra. Tình trạng này thường xuất hiện khi bé bước vào giai đoạn biến đổi thể chất theo chu kỳ phát triển tự nhiên như mọc răng, tập bò, tập đi. Biếng ăn sinh lý diễn ra nhanh chóng, khoảng 1 – 2 tuần, khi cơ thể bé đã thích nghi được với các giai đoạn phát triển, bé sẽ trở lại ăn uống bình thường.
Để nhận biết giai đoạn trẻ biếng ăn sinh lý, mẹ có thể dựa vào những biểu hiện dưới đây và quan sát thật kỹ con nhé:
- Bé bỗng nhiên sụt cân hoặc không tăng cân dù không bị ốm bệnh và vẫn vui vẻ chơi bình thường
- Bé đột nhiên không đòi bú hoặc từ chối khi mẹ cho bú, thời gian mỗi cữ bú ngắn bình thường hoặc bỏ nhiều sữa ở bình.
- Nếu bé đang ăn dặm thì bé chỉ ăn một số món nhất định, nhất quyết không chịu thử món mới. Bé thường xuyên bỏ bữa, từ chối thức ăn, nếu có ăn cũng chỉ ăn rất ít. Và bé không tập trung vào đồ ăn dù mẹ đã chịu khó thay đổi món ăn.
- Bé hiếu động, nghịch ngợm, thích tìm tòi khám phá mọi thứ mà không quan tâm tới thức ăn
- Mẹ gặp nhiều khó khăn khi cho bé ăn: bé có thói quen ngậm, phun thức ăn, thường xuyên quấy khóc khi ăn. Điều này khiến thời gian mỗi bữa ăn kéo dài hơn bình thường.
Tham khảo thêm: Cẩm nang từ A-Z về trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, bố mẹ đừng bỏ lỡ!
2. Các giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sơ sinh
Có 5 mốc biếng ăn sinh lý thường gặp ở trẻ, các mốc này đều là những giai đoạn trẻ có sự thay đổi lớn trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện cả tinh thần cũng như thể chất của mình. Mẹ hãy lưu ý để chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhé!
2.1. Mốc biếng ăn sinh lý 1: Trẻ 3 – 4 tháng tuổi
Đây là thời kỳ bé bắt đầu biết ngóc đầu, tập lẫy và tập sử dụng các giác quan để khám phá môi trường xung qianh. Chính vì những cảm nhận, tìm tòi này sẽ khiến bé mải mê khám phá những khả năng mới của mình mà quên mấy việc ăn uống.
Bé dễ cáu gắt khi đang tập lẫy mà mẹ bế lên bắt ăn hay làm điều gì đó. Các bố các mẹ không nên lo lắng quá nhiều, qua giai đoạn này trẻ sẽ hết biếng ăn và trở nên ngoan ngoãn hơn.
2.2. Mốc biếng ăn sinh lý 2: Trẻ 6 tháng tuổi
Bé bắt đầu làm quen với ăn dặm – dạng thức ăn hoàn toàn mới mẻ trong việc ăn uống của bé. Việc thay đổi đột ngột chế độ ăn, phải tập làm quen với nhiều loại thực phẩm mới khiến bé không kịp thích ứng, quấy khóc, không hợp tác với các mẹ trong quá trình ăn. Biếng ăn sinh lý ở trẻ 6 tháng tuổi có thể là bé chỉ thích ăn dặm bỏ sữa, hoặc từ chối ăn dặm chỉ ăn sữa hoặc cả hai.
Tham khảo thêm: 5 sự thật về giấc ngủ trẻ sơ sinh mà ba mẹ cần biết
2.3. Mốc biếng ăn sinh lý 3: Trẻ 9 – 10 tháng tuổi
Lúc này bé không còn thích bò nữa mà chuyển sang giai đoạn tập đi. Bé thấy mình có thể đi giống như mọi người xung quanh nên càng ham học đi hơn, muốn đi nhiều hơn, chơi nhiều hơn và thường mất tập trung với bữa ăn. Trong giai đoạn này, trẻ cũng bắt đầu mọc răng. Việc mọc răng khiến trẻ quấy sốt, sưng đau khoang miệng nên từ chối ăn và nuốt.
Mẹ không nên để trẻ quá tập trung vào vui chơi mà quên mất việc phải nuốt thức ăn. Thời gian này, mẹ nên bắt đầu cai ti đêm để bé ăn chính vào ban ngày, để bé có cảm giác đói và muốn ăn hơn.
2.4. Mốc biếng ăn sinh lý 4: Trẻ 16 – 18 tháng tuổi
Giai đoạn này trẻ có nhận thức rõ hơn về bản thân và thế giới. Lúc này, bé cũng biết cách học hỏi từ xung quanh để thay đổi bản thân và biết làm nũng để nhận được sự chiều chuộng của ba mẹ. Bé hứng thú tìm hiểu về thế giới xung quanh nên tỏ ra hờ hững với việc ăn hay không hứng thú với thức ăn.
Bé sẽ mải chơi không những lười ăn mà còn lười ngủ. Lúc này bé cũng đã nhận thức được rằng hành động của mình có những hậu quả nhất định, vì thế bố mẹ cần nghiêm khắc, tránh việc con mải chơi mà không chịu ăn.
2.5. Mốc biếng ăn sinh lý 5: Trẻ bắt đầu đi mẫu giáo ( 2 – 3 tuổi)
Việc thay đổi môi trường sinh hoạt, chế độ ăn uống tác động không nhỏ đến tâm sinh lý, khiến bé sinh ra biếng ăn sinh lý. Ở độ tuổi này, bé phải làm quen với nhiều thứ mới lạ, xung quanh bé là cô giáo và bạn bè mới mà không phải là những người thân trong gia đình. Khi trẻ đã có hứng thú với trường lớp mới, trẻ sẽ cảm nhận được rằng để được chơi nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn thì cần ăn nhiều hơn. Và từ đó trẻ sẽ có cảm giác muốn ăn hơn, tập trung vào việc ăn hơn.
Nắm được những giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý và tạo được thói quen ăn uống lành mạnh sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cũng như sở thích của bé yêu.
3. Mẹ làm gì bé biếng ăn sinh lý?
Bố mẹ không cần quá lo lắng về các giai đoạn biếng ăn sinh lý của trẻ đâu nhé, vì đây là biểu hiện tự nhiên của bé, cơ thể bé biết cách điều chỉnh để lớn lên. Chính vì vậy, bố mẹ không cần áp dụng biện pháp điều trị nào cả mà mẹ nên xây dựng những phương pháp hỗ trợ, chăm sóc bé phù hợp để kích thích bé ăn nhiều nhất có thể. Dưới đây là một số gợi ý để mẹ tự tin đối mặt với giai đoạn biếng ăn sinh lý của con yêu.
3.1. Xây dựng thói quen ăn uống khoa học cho bé
Mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều trong một bữa, mỗi bữa ăn không nên để kéo dài quá lâu, tối đa là 30 phút. Không khuyến khích cho bé vừa ăn vừa xem tivi hay chơi điện tử, thay vào đó hãy cho bé ngồi ăn chung với gia đình để bé tập trung vào bữa ăn của mình hơn. Bố mẹ hạn chế việc cho con ăn đồ ngọt hay ăn vặt trước bữa ăn chính, vì như thế sẽ khiến bé không có cảm giác đói.
3.2. Tạo hứng thú với bữa ăn
Để bé có hứng thú với bữa ăn hơn, ba mẹ có thể áp dụng cách sau:
- Trang trí món ăn bắt mắt hơn, ngộ nghĩnh hơn để kích thích vị giác của bé.
- Khuyến khích bé tự ăn, tự gắp thức ăn.
- Không nên dọa nạt để ép bé ăn để tránh làm bé từ biếng ăn sinh lý thành biếng ăn tâm lý. Mẹ nên đợi lúc bé có dấu hiệu đói ăn thì cho bé ăn.
- Cùng bé chơi các trò chơi liên quan đến đồ ăn và dụng cụ ăn để bé làm quen và có thiện cảm hơn, tránh cảm giác sợ bữa ăn.
3.3. Chia nhỏ bữa ăn
Trẻ có dung tích dạ dày nhỏ nhưng tốc độ tiêu hóa lại cao, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vì thế, bố mẹ không nên cho bé ăn quá nhiều trong một bữa, tránh gây quá tải. Thay vào đó, bố mẹ hãy cho con ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho sự phát triển toàn diện cho bé cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đối với bé vẫn còn ăn sữa thì có thể giảm bú đêm, tăng lượng sữa ở mỗi lần bú và tăng cữ bú trong ngày. Mẹ cũng có thể điều chỉnh để tăng thời gian ngủ đêm và giảm thời gian ngủ ngày của bé. Cách làm này áp dụng được cho cả bú mẹ và bú bình.
Trên đây là 5 mốc biếng ăn sinh lý thường gặp ở trẻ nhỏ mà mẹ cần biết để không bị ngỡ ngàng khi con yêu đang ăn ngoan bỗng dưng chán ăn, bỏ bữa. Nhìn chung, giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ sẽ đi qua nhanh chóng, vì thế ba mẹ đừng quá lo lắng mà nên chăm sóc bé đúng cách. Và đừng quên theo dõi Kamidi Việt Nam để cập nhập thêm nhiều tin tức bổ ích ba mẹ nhé!
Website: https://kamidi.vn/
Fanpage: Kamidi Việt Nam