Trẻ sơ sinh bị ọc sữa phải làm sao? Cách xử lý hiệu quả

tre-so-sinh-bi-oc-sua

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa là hiện tượng khá phổ biến, nhưng lại gây lo lắng cho ba mẹ. Ọc sữa là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh, thường xảy ra do cơ thắt tâm vị (giữa thực quản và dạ dày) của trẻ còn yếu, khiến sữa trào ngược lên thực quản sau khi bú. Ngoại trừ nguyên nhân do bệnh lý, tình trạng này có thể khắc phục bằng một số cách đơn giản mà hiệu quả. Vậy khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa phải làm sao? Ba mẹ hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Vì sao bé bị ọc sữa?

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Các nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến như sau:

Nguyên nhân sinh lý:

  • Cơ thắt tâm vị yếu: Cơ thắt tâm vị là cơ nằm giữa thực quản và dạ dày, có chức năng ngăn cản thức ăn trào ngược lên thực quản. Ở trẻ sơ sinh, cơ thắt tâm vị còn yếu, chưa phát triển hoàn thiện, do đó dễ dẫn đến tình trạng ọc sữa. Theo thời gian, hệ tiêu hoá của bé sẽ hoàn thiện và bé sẽ không còn tình trạng ọc sữa. Có bé 3 tháng, hệ tiêu hoá đã hoàn thiện cơ bản nhưng cũng có bé khoảng 6 tháng, 12 tháng,…
  • Nuốt phải khí khi bú: Mẹ cho bé bú không đúng tư thế sẽ khiến bé có thể nuốt phải một lượng khí nhất định. Lượng khí này tích tụ trong dạ dày có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ợ hơi và ọc sữa.
  • Bú quá no: Khi bú quá no, dạ dày của trẻ sẽ căng ra, khiến sữa dễ dàng trào ngược lên thực quản.
  • Nằm ngay sau khi bú: Nằm ngay sau khi bú sữa có thể khiến sữa trào ngược lên thực quản do lực hấp dẫn.
  • Bé sinh non: Dễ gặp tình trạng ọc sữa hơn. Tuy nhiên, nếu ba mẹ chăm sóc và xử lý đúng cách thì không quá đáng ngại.

Nguyên nhân bệnh lý:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đây là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản mãn tính, có thể dẫn đến các triệu chứng như ọc sữa, nôn trớ, khó thở, ho, viêm phổi…
  • Hẹp phì đại môn vị: Những bé mắc tình trạng cơ môn vị (lỗ ra vào dạ dày) bị thu hẹp, khiến thức ăn khó di chuyển từ dạ dày xuống ruột. Trẻ bị hẹp phì đại môn vị thường có các triệu chứng như ọc sữa, nôn trớ dữ dội, sụt cân, táo bón…
  • Dị ứng thực phẩm: Một số trẻ có thể bị dị ứng với các protein trong sữa bò hoặc sữa công thức, dẫn đến các triệu chứng như ọc sữa, nôn trớ, tiêu chảy, phát ban…

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều có sao không?

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều là hiện tượng khá phổ biến và thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý phân biệt giữa ọc sữa sinh lý và bệnh lý để có cách xử lý phù hợp.

Nếu bé ọc sữa sinh lý thì không quá đáng lo. Khi bé lớn dần, hệ tiêu hoá hoàn thiện hơn thì hiện tượng này sẽ giảm dần và biến mất. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh ọc sữa kèm theo một số triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, nôn có máu, co giật, sốt cao, tiêu phân bất thường,… thì có thể là dấu hiệu của một bệnh lý trong cơ thể.

tre-so-sinh-bi-oc-sua-1

Phân biệt ọc sữa bệnh lý và ọc sữa sinh lý:

Ọc sữa sinh lý:

  • Xảy ra thường xuyên sau khi bú hoặc ợ hơi.
  • Sữa ọc ra dễ dàng, không kèm theo các triệu chứng khác như nôn trớ dữ dội, quấy khóc, sụt cân, táo bón…
  • Trẻ vẫn bú tốt, tăng cân đều đặn và phát triển bình thường.

Ọc sữa bệnh lý:

  • Xảy ra thường xuyên và dữ dội, kèm theo các triệu chứng khác như nôn trớ dữ dội, quấy khóc, sụt cân, táo bón…
  • Trẻ bú kém, tăng cân chậm hoặc sụt cân.
  • Có thể có các biểu hiện khác như ho, khó thở, chảy nước dãi nhiều…

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của ọc sữa bệnh lý, baa mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc tự ý điều trị tại nhà có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Cách giúp bé không bị ọc sữa?

Cho bé bú đúng tư thế

Đối với bú mẹ, mẹ nên cho bé bú theo tư thế “ngửa nghiêng”, sao cho đầu và cổ của bé cao hơn dạ dày. Giữ cho bé bú sát bầu ngực, miệng bé ngậm sâu núm vú và môi bé mở rộng. Tránh cho bé bú khi đang nằm ngửa hoặc nằm sấp.

Còn đối với những bé bú bình, ba mẹ nên chọn bình sữa có núm vú phù hợp với kích cỡ miệng bé và có van chống sặc. Cho bé bú ở tư thế thẳng đứng, đầu bé cao hơn bình sữa, núm bình luôn đầy sữa để tránh bé bú phải bọt khí gây sặc sữa, nôn trớ, đầy hơi.

Sau khi bé bú xong, mẹ không nên cho bé nằm ngay. Vì hệ tiêu hoá của bé chưa hoàn thiện rất dễ nuốt hơi vào trong lúc bú, nằm ngay sau khi bú rất dễ bị ọc sữa. Sau khi bú xong, hãy bế bé ở tư thế thẳng đứng ít nhất 30 phút trước khi cho bé nằm xuống.

Vỗ ợ hơi cho bé thường xuyên

Vỗ ợ hơi cũng là cách giúp bé tránh ọc sữa sau khi bú hiệu quả. Sau mỗi 5-10 phút bú, ba mẹ bế bé vỗ nhẹ nhàng vào lưng cho đến khi bé ợ hơi. Có thể vỗ ợ hơi cho bé theo tư thế “vỗ vai”: đặt bé nằm sấp trên một cánh tay của ba mẹ, úp mặt bé vào khuỷu tay, dùng tay kia vỗ nhẹ vào lưng bé. Hoặc vỗ ợ hơi cho bé theo tư thế “ngồi”: bế bé ngồi trong lòng, một tay đỡ cổ và đầu bé, tay kia vỗ nhẹ vào lưng bé.

tre-so-sinh-bi-oc-sua-2

Tham khảo thêm: Cách vỗ lưng cho bé ợ hơi sau khi bú đơn giản, dễ thực hiện

Chia nhỏ bữa bú cho bé

Do hệ tiêu hoá còn yếu, dung tích chứa thức ăn của dạ dày cũng rất nhỏ nên thay vì cho bé bú nhiều bữa trong ngày, ba mẹ hãy chia nhỏ thành nhiều bữa bú hơn với lượng sữa ít hơn Điều này sẽ giúp giảm lượng khí mà bé nuốt phải khi bú, từ đó hạn chế ọc sữa.

Tránh cho bé bú quá no

Ba mẹ hãy quan sát các dấu hiệu bé đã no như quay đầu đi, mút núm vú yếu ớt, ngủ thiếp đi… khi bé có những dấu hiệu này, hãy ngừng cho bé bú. Tránh ép bé bú vì có thể khiến bé nuốt nhiều khí hơn và dễ bị ọc sữa. Ngoài ra, ba mẹ hãy tránh cho bé chơi đùa hoặc vận động mạnh sau khi bú ít nhất 30 phút. Việc vận động mạnh có thể khiến sữa trong dạ dày của bé trào ngược lên thực quản.

tre-so-sinh-bi-oc-sua-3

Kết luận

Nhìn chung, trẻ sơ sinh bị ọc sữa là hiện tượng thường gặp, có thể khắc phục dễ dàng nhưng ba mẹ không nên chủ quan xem nhẹ. Bên cạnh việc nắm rõ cách xử lý trẻ sơ sinh bị ọc sữa thì ba mẹ cũng cần hiểu rõ biểu hiện bệnh lý thông qua tình trạng này. Ba mẹ hãy nắm chắc các kiến thúc để mang đến sự an toàn cho hệ tiêu hoá non nớt của con nhé!

Hãy theo dõi Kamidi để nhận thêm nhiều thông tin bổ ích ba mẹ nhé!

Website: https://kamidi.vn/

Fanpage: Kamidi Việt Nam

 

0/5 (0 Reviews)